Được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính song việc xây dựng chính quyền điện tử khiến nhiều địa phương “e dè” bởi việc triển xây dựng chính quyền điện tử mới ở giai đoạn đầu, những kinh nghiệm thành công chưa mang tính tổng thể. Đối với huyện Phú Tân, xây dựng chính quyền điện tử được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025.
Chính quyền điện tử - xu hướng tất yếu
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của huyện đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng CNTT-TT của huyện được chú trọng đầu tư xây dựng, 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và UBND các xã, thị trấn được nối mạng internet.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được huyện quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước của huyện đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành; trên 300 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Hệ thống thông itn một cửa điện tử, một số dịch vụ công đã đạt mức độ 4. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, hiệp hội… trên địa bàn huyện cũng đã bước đầu triển khai ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Ngoài việc xây dựng hạ tầng và ứng dụng CNTT, công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT cũng được lãnh đạo huyện chú trọng.
Với xu hướng tất yếu đó, Kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử huyện Phú Tân được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng CNTT, cải cách hành chính; đồng thời thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của huyện trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.Đây chính là cơ sở để xác định mô hình, kiến trúc xây dựng chính quyền điện tử, xác định các nội dung, hạng mục đầu tư, bố trí và thu hút mọi nguồn lực, lộ trình để xây dựng thành công chính quyền điện tử; với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của huyện để phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT rộng rãi trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Việc triển khai Đề án cũng hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử ở cả đối tượng cán bộ công chức nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chưa có một khái niệm thống nhất về chính phủ điện tử, hiện nay cũng tồn tại nhiều xu hướng phát triển chính phủ điện tử khác nhau. Ở Việt Nam, một vài tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử và có một số thành công nhất định, tuy nhiên đó mới chỉ là một vài kết quả ban đầu, chưa mang tính tổng thể; kiến trúc, cách thức triển khai vẫ còn đang ở thời kỳ đầu, chưa thể khẳng định thành mô hình hay điển hình thành công để có làm căn cứ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Do đó, để triển khai thành công chính quyền điện tử, lãnh đạo huyện xác định đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Song tin tưởng rằng, với mục tiêu hướng tới là nâng cao mức độ hài lòng của xã hội, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền; đảm bảo tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Phú Tân sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của nhân dân – những công dân điện tử trong tương lai./.