Hiệu quả của Chính quyền điện tử
Hiệu quả của Chính quyền điện tử
Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử vốn được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành, các cấp cần quan tâm và hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Cà Mau cũng đã tập trung từng bước hoàn thiện Chính quyền điện tử của tỉnh nhà nhằm hướng tới mục tiêu có thể phục vụ cho người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng cũng như toàn diện hơn.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó, tỉnh Cà Mau đã dần hoàn thiện trong việc xây dựng hệ thống thông tin phục vụ hoạt động cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Điển hình như hệ thống phần mềm Quản lý văn bản điều hành, hệ thống phần mềm một cửa điện tử,…
Việc triển khai Đề án Chính quyền điện tử đã góp phần mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc tạo sự liên thông giữa Trung ương và địa phương, cũng như kết nối giữa chính quyền và người dân. Mặt khác, việc xử lý công việc, giải quyết các thủ tục hành chính và triển khai các chỉ đạo từ cấp trên cũng được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian cũng như chi phí của cả cơ quan, đơn vị Nhà nước lẫn của người dân và các doanh nghiệp. Hiệu quả công việc cũng như chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp nhờ vậy mà được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc triển khai và xây dựng Chính quyền điện tử. Xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn ngân sách dành cho ứng dụng công nghệ thông tin dẫn đến việc triển khai Chính quyền điện tử chưa được đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cũng như từ cấp tỉnh tới cấp xã. Việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này phải được chia ra nhiều giai đoạn để đầu tư và chỉ ưu tiên ở những nhóm ứng dụng cần thiết. Bên cạnh đó, một số bộ phận cán bộ còn chưa thật sự quyết tâm trong việc tiếp nhận cái mới và xây dựng Chính quyền điện tử cũng như lơ là trong công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân.
Để dần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của Chính quyền điện tử cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỷ thuật; chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh các công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt để việc triển khai Chính quyền điện tử đạt nhiều hiệu quả tích cực hơn./