Dịch vụ công trực tuyến "trong thời chống Dịch"
Đề án xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin của tỉnh để phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT rộng rãi trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Trên cơ sở đó, Hệ thống thông tin một cửa điện tử đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Công nghệ thông tin được sử dụng trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.
Việc triển khai và áp dụng “Hệ thống thông tin một cửa điện tử” mang lại hiệu quả cao, phù hợp với thực tế. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua, không vì thế mà việc tiếp nhận và trả kết quả bị đình trệ hay gián đoạn, mọi thủ tục hành chính của người dân đều được tiếp nhận và giải quyết đúng quy định. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn tiếp nhận trực tuyến qua phần mềm tiếp nhận hồ sơ trực tuyến được đẩy mạnh, từ đó giúp người dân nắm bắt, tiếp cận và thực hiện được việc giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân kịp thời và hiệu quả.
Để bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, cần đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử ở cả đối tượng cán bộ công chức nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là gắn với việc xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu, “người dân ở nhà, thủ tục hành chính vẫn được giải quyết”.