HIỆU QUẢ TỪ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ
Sau hơn một năm triển khai, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã và đang đi vào cuộc sống, bước đầu khẳng định được ý nghĩa xã hội và nhân văn, lần đầu tiên áp dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ảnh: Cán bộ Chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng đến tham gia đình anh Phạm Văn Quốc, Khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm
Ảnh: Cán bộ Chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng đến tham gia đình anh Trần Văn Cường, Khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm
Vào khoảng đầu năm 2024, ông Trần Văn Cường, khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương nhưng không có vốn làm ăn phát triển kinh tế; nhờ chương trình vốn vay theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, ông Cường được vay 100 triệu đồng, ông mở đại lý kinh doanh bia và lấy thêm vé số về bán tại nhà, hàng tháng có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Qua đó, góp phần giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và giúp ông thực hiện tốt vai trò của người công dân giúp ích cho gia đình và xã hội. Ông Trần Văn Cường chia sẻ: "Sau khi ra tù cũng được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để buôn bán nhỏ nhỏ, kinh tế cũng ổn định. Tôi cảm ơn chính quyền địa phương, Ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho tôi được làm ăn và hoàn lương, tôi rất cảm ơn".
Anh Phạm Văn Quốc cùng ở khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm cũng vừa chấp hành xong án phạt tù vào đầu năm 2024, do thiếu vốn làm ăn, anh được chính quyền địa phương giới thiệu vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Vay 100 triệu đồng anh mở rộng bán tạp hóa, bán gạo tại nhà và đầu tư vào trại sản xuất ép tôm giống. Mỗi tháng thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng. Anh Phạm Văn Quốc nói: "Chấp hành án phạt tù về, được cơ quan chức năng cho vay vốn 100 triệu làm ăn, tôi rất cảm ơn. Sau khi về hoàn lương tôi luôn chấp hành tốt chính sách, chủ chương của chính quyền địa phương".
Công tác tái hoà nhập cộng đồng vừa là hoạt động quản lý Nhà nước vừa là hoạt động mang tính xã hội, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội. Trong đó, Ngân hàng chính sách xã hội giữ vai trò nòng cốt trong việc cung cấp vốn tín dụng ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; chính quyền mỗi địa phương giữ vai trò quan trong trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận được nguồn vốn.
Với mục tiêu xuyên suốt là quyết tâm hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, không để cho vay không đúng đối tượng và cũng không để trường hợp nào đúng đối tượng, đủ điều kiện và có nhu cầu mà không được vay vốn từ chương trình. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến ngày 10/12/2024, tổng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh huyện Phú Tân giải ngân 810 triệu đồng cho 12 lượt người chấp hành xong án phạt tù vay, giúp họ có nguồn vốn đầu tư ban đầu để sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân cho biết: "Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như một luồng sinh khí mới, làm điểm tựa giúp những người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định và nâng cao đời sống, thu nhập; có điều kiện làm lại cuộc đời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.