Đoàn cán bộ huyện Phú Tân đi tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghiệp
Đoàn công tác đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân nơi đến đón tiếp và hướng dẫn rất tận tình. Đặc biệt Đoàn đã đến tận các vuông tôm nuôi của bà con nông dân để xem thực tế quy mô, hình thức và hiệu quả sản xuất. Loại hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tại những địa phuơng nêu trên hầu hết có quy mô nhỏ, mỗi ao nuôi có khoảng từ 2.000 đến 4.000 m2 và sản xuất đại trà, cả địa phương cùng chuyên canh một loại hình. Tuỳ theo diện tích đất và khả năng nguồn vốn, mỗi hộ có từ 01 đến 05 ao nuôi. Mật độ thả nuôi theo tỷ lệ thưa, khoảng từ 10 đến 20 con/m2 và một năm chỉ thả nuôi một vụ, thời gian còn lại để phục hồi chất lượng đất. Với cách sản xuất như vậy, tính bình quân mỗi ha người nuôi tôm ở những địa phương này thu hoạch từ 8 đến 10 tấn tôm, trừ chi phí còn lãi từ 500 đến 600 triệu đồng.
Theo một số bà con nông dân địa phương cho biết, cách nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp như nêu trên, tuy vẫn có rủi ro, thất bại nhưng mức độ không cao. Với cách làm này chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận một lần không bằng nuôi quy mô lớn nhưng yêu cầu kỹ thuật không cao, đa số nông dân nếu chịu khó sẽ làm được và cho kết quả bền vững.
Ông Võ Trường Giang (người thứ hai từ trái sang) và Đoàn cán bộ xem sản phẩm thu hoạch từ mô hình nuôi tôm công nghiệp ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng (ảnh: Trần Minh Huyện)
Sau chuyến nghiên cứu thực tế này, hy vọng rằng các ngành chức năng của huyện sẽ hướng dẫn bà con nông dân sản xuất thử nghiệm theo cách nêu trên và sẽ nhân rộng cho bà con nông dân Phú Tân ứng dụng vào thực tế sản xuất. Và chúng tôi cũng mong rằng loại hình sản xuất mới này sẽ thành công để người nông dân được làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.